Xử lý khi bị xốc phản vệ

Xử lý khi bị xốc phản vệ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Tống Văn Hoàn – Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốc phản vệ là phản ứng cấp tính toàn thể, đây là tình trạng nặng cần được xử trí và kích hoạt báo động đỏ cấp cứu kịp thời, nếu không có thể đe dọa đến tính mạng.

Những trường hợp cần hỗ trợ hô hấp, tiêm truyền Adrenalin, Glucagon, cần nhập khoa hồi sức cấp cứu.

1. Cấp cứu khi bị sốc phản vệ

Nguyên tắc khi cấp cứu sốc phản vệ là phải khẩn trương kích hoạt hệ thống báo động đỏ, thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay tại chỗ cho đến khi đảm bảo được đường thở (Airway), hô hấp (Breathing), tuần hoàn (Circulation) bằng adrenalin, truyền dịch… rồi mới được chuyển đi nơi khác.

Ngừng ngay việc tiếp xúc với dị nguyên như các loại thuốc, máu và chế phẩm máu, dịch truyền, các loại thuốc uống, bôi, nhỏ mắt…

1.1. Điều trị chung

Ở mức độ nhẹ, có thể kháng histamin tiêm dưới da hoặc Methylprednisolon 40-80mg tiêm tĩnh mạch.

Ở mức độ nặng, nếu có khó thở hoặc tụt huyết áp thì cần đặt bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp, chân cao. Sử dụng Adrenalin ống 0,5-1mg tiêm bắp vào mặt trước bên đùi.

Với trẻ em, pha loãng 1 ống Adrenalin với 10ml nước cất tiêm bắp 0,01mg/kg/lần. Tiêm 10-15 phút/lần cho tới khi mạch quay bắt rõ, huyết áp trở lại bình thường, khó thở giảm hẳn.

Nếu sau tiêm adrenalin 1mg/5 phút mà không bắt được mạch quay thì tiếp tục tiêm adrenalin 0,3-0,5mg/lần/mỗi 5 phút qua đường tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch cảnh đến khi bắt được mạch thì chuyển qua truyền tĩnh mạch liên tục.

1.2. Điều trị chuyên khoa

Điều trị hô hấp cần đảm bảo khai thông đường thở, thở oxy qua gọng kính hoặc mặt nạ. Có thể mở khí quản cấp cứu nếu có phù thanh môn, bóp bóng ambu có oxy, thở máy 100% oxy trong giờ đầu, điều chỉnh máy thở theo tình trạng cụ thể.

Sốc phản vệ cần được điều trị hô hấp

Điều trị tuần hoàn gồm

Đặt đường truyền tĩnh mạch (tĩnh mạch ngoại vi), nếu không thể thiết lập được thì đặt đường truyền trung tâm qua tĩnh mạch cảnh hoặc tĩnh mạch đùi.

Truyền dịch nhanh Natri clorua 0,9% 1-2 lít, có thể phối hợp với dịch keo hoặc Haesteril 6%, vì sốc phản vệ luôn có hiện tượng giãn mạch kết hợp với tăng tính thấm thành mạch.

Adrenalin truyền tĩnh mạch liên tục bắt đầu 0,1 μg/kg rồi điều chỉnh liều sao cho huyết áp tâm thu > 90mmHg.

Cấp cứu ngừng tim phổi do sốc phản vệ

Cần xử lý theo phác đồ cấp cứu ngừng tim phổi cơ bản hoặc chuyên sâu.

2. Theo dõi và điều trị sau cấp cứu sốc phản vệ

Một số điều trị khác có thể sử dụng để điều trị sốc phản vệ như:

  • Methylprednisolon tiêm tĩnh mạch 1mg/kg/4 giờ hoặc tiêm tĩnh mạch hydrocortison hemisuccinat 5mg/kg/4 giờ.
  • Salbutamol hoặc ventolin xịt họng hoặc khí dung nếu có khó thở, có thể phối hợp thêm với aminophylin truyền bolus tĩnh mạch.
  • Kháng histamine: tiêm bắp prometazin 0,5-1mg.

+ Kháng Histamin H1: thường dùng Diphenhydramine 1-2 mg/kg hoặc promethazin (Pypolphen) 0,5-1mg/kg mỗi 6-8 giờ.

+ Kháng Histamin H2: Ranitidine: 1-2 mg/kg.

  • Phối hợp kháng H1&H2 hiệu quả hơn khi dùng kháng H1 đơn độc trong điều trị các biểu hiện da phản vệ.
  • Uống than hoạt và thuốc nhuận tràng nếu dị nguyên qua đường tiêu hóa.
  • Băng ép chi phía trên chỗ tiêm hoặc đường vào của nọc độc nếu có.

Sau cấp cứu sốc phản vệ, bệnh nhân cần được theo dõi ngừa:

  • Phản vệ hai pha (biphasic): có thể xuất hiện sau khi đáp ứng ban đầu từ 1 – 72 giờ.
  • 5-20% trường hợp có phản vệ 2 pha, khoảng 3% cần xử lý cấp cứu.
  • Nguy cơ xuất hiện hai pha: tiêm adrenalin với liều lớn hơn ban đầu.

Theo dõi sau cấp cứu cần thực hiện trong vòng 4-6 giờ đầu, chú ý trong 72 giờ đầu. Những trường hợp có nguy cơ 2 pha cần nhập viện để theo dõi. Những trường hợp cần hỗ trợ hô hấp, tiêm truyền Adrenalin, Glucagon, cần gọi báo động đỏ để nhập khoa hồi sức cấp cứu.

Please follow and like us: